Kinh nghiệm đi thi tốt nghiệp THPT 2022 giúp bạn vượt qua kỳ thi nhẹ nhàng, suôn sẻ
Các sĩ tử có thể tham khảo kinh nghiệm đi thi tốt nghiệp THPT 2022 dưới đây để trải qua kỳ thi thuận lợi và đạt kết quả cao.
Trước khi đi thi
Hiện tại đang là giai đoạn cuối để ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, hầu hết các bạn đã có dung lượng kiến thức nhất định. Tốt nhất những ngày này, các sĩ tử không nên nạp quá nhiều kiến thức mới nữa, thay vào đó hãy hệ thống lại kiến thức đã học, học phần nào chắc phần đó, đặc biệt là những phần cơ bản để khi làm bài không bị mất điểm oan. Chú ý rằng, một khi đã ngồi vào bàn học, tắt tất cả các loại thiết bị điện tử để tránh xao nhãng. Quan trọng là chất lượng giờ học. Học 2 tiếng tập trung còn hơn cả ngày ngồi giở sách ra rồi lại đóng vào.
Những ngày trước khi thi, chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống lành mạnh. Các năm trước ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh bị ngộ độc do ăn uống không đảm bảo ngoài đường, khiến thí sinh phải nhập viện, không thể tham dự đủ các môn thi. Tốt nhất, những ngày cuối cùng này, tránh tụ tập ăn uống các món chiên, rán, dầu mỡ dọc đường. Các sĩ tử có thể ăn các món nhẹ nhàng tốt cho tiêu hóa và các thực phẩm tốt cho trí nhớ như cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc, rau màu xanh đậm, bí đỏ, cam, trứng...
Không thức quá khuya để học hay làm việc riêng. Tập dần thói quen dậy sớm, ngủ sớm bởi nếu không đến ngày thi, thí sinh vẫn sẽ trằn trọc quen giấc ngủ muộn tới gần sáng. Đến lúc vào phòng thi, cơ thể không minh mẫn, buồn ngủ, khó tập trung làm được bài. Thậm chí, không ít thí sinh còn ngủ quên cả giờ thi, đến muộn quá giờ cho phép và không được vào phòng thi. Nhiều bạn đã phải khóc lóc và bỏ cuộc năm đó.
Về phương tiện khi đi thi, thực tế có nhiều bạn tự đi thi và có nhiều bạn được phụ huynh đưa đón. Dù thế nào cũng hãy kiểm tra phương tiện trước khi đi thi để tránh không bị hỏng xăm, thủng lốp, hết xăng, hết điện... giữa đường. Hãy thử tưởng tượng, nếu đang đi giữa đường mà xe hỏng, việc này sẽ làm mất thời gian, làm xuống tinh thần, rất ảnh hưởng tới kỳ thi. Các vị phụ huynh cũng vậy, nếu đưa con mình đi thi, cần đảm bảo kiểm tra xe kỹ càng, đủ xăng để tránh mất thời gian đổ xăng, sửa xe khi đang đưa con cái đến điểm thi.
Nhớ rõ lịch thi tốt nghiệp THPT 2022
Trước khi đi thi, đảm bảo mình đã có đầy đủ dụng cụ và giấy tờ:
Bút bi: Thí sinh phải chuẩn bị bút bi cùng loại, cùng màu mực xanh hoặc đen, nên chuẩn bị khoảng 2-3 cây bút để tránh trường hợp trục trặc
Bút chì loại 2B: Chuẩn bị khoảng 3 cây bút chì để tô trắc nghiệm. Nên chọn loại bút chi có đầu tròn, mềm, nét đậm, dễ tẩy sạch khi bị sai đáp án như bút chì 2B, 3B... Không nên dùng bút chì kim bởi ngòi chì nhỏ, tô lâu và in hằn vết tô lên phiếu trả lời nên khó tẩy xóa. Bạn nên gọt bút chì sẵn ở nhà, khi đi thi chỉ việc dùng luôn.
Gôm/tẩy: Loại xịn và nên mua cục to cho dễ xoá
Máy tính: Nhớ kiểm tra pin, nếu lâu quá chưa thay pin thì mang thay pin (những chỗ thay pin đồng hồ đều có thay pin máy tính), tránh trường hợp vào thi vỗ bôm bốp máy tính vì không thấy lên nguồn (Xem các loại máy tính được phép mang vào phòng thi TẠI ĐÂY)
Phiếu dự thi (Phiếu này được đổi từ Giấy báo dự thi, được phát trong buổi nghe quy chế thi)
Chứng minh thư (Thẻ căn cước công dân)
Đồng hồ: Nên mang theo đồng hồ để canh giờ làm bài, phân bổ thời gian làm bài cho hợp lý. Trước đó có rất nhiều trường hợp thí sinh sa đà vào 1 vài câu khó, đến khi gần hết giờ làm bài vẫn còn rất nhiều câu bỏ trống. Vì thế, các thí sinh cần biết chia thời gian làm bài, không được bỏ trống bất kỳ câu nào dù là không biết làm.
1 chai nước nhỏ đã bóc nhãn: Nước có thể mang vào phòng thi, khi mất bình tĩnh có thể làm một ngụm nước nhỏ để lấy lại bình tĩnh và tiếp tục làm bài. Nên nhớ uống xong phải đóng nắp chai lại, tránh đổ ra bài thi.
Nhớ mang Atlat khi thi môn Địa lý, bởi vào phòng thi không ai muốn cho bạn mượn đâu. Năm ngoái, nhiều thí sinh quên Atlat và phải bảo phụ huynh mang tới điểm thi, rất mất thời gian và có thể không kịp giờ thi.
=> Tất cả giấy tờ, bút viết, máy tính ... cho hết vào 1 túi đựng tài liệu. Đề phòng lúc nhốn nháo hoặc mất bình tĩnh bị mất đồ. Tuyệt đối không mang tài liệu và điện thoại vào trong phòng thi. Bạn sẽ không thể nào quay cóp được vì giám thị rất chặt. Chúng có thể khiến sĩ tử bị cảnh cáo, đình chỉ và hậu quả là trượt tốt nghiệp.
Trong khi thi
1. Khi đi thi nên mặc gì?
Thí sinh nên mặc những trang phục giúp mình thoải mái nhất, tự tin nhất. Không mặc lố lăng, thiếu nghiêm chỉnh bởi bạn có thể không được cho vào phòng thi. Một mẹo rằng thí sinh cũng không nên mặc những bộ đồ quá nổi bật bởi rất dễ trở thành "tâm điểm" của phòng thi, bị giám thị để ý và ảnh hưởng tâm lý.
Bạn có thể mặc đồng phục, áo phông, quần dài... miễn sao phù hợp và thoải mái.
2. Làm gì khi bị hồi hộp?
Ngồi thẳng lưng
Nhắm mắt, hÍt 1 hơi thở thật sâu
Uống 1 ngụm nước nhỏ (Không nên uống quá nhiều vì sẽ dễ buồn vệ sinh. Khi đang làm bài bạn có thể xin ra vệ sinh nhưng sẽ phải có giám thị đi theo, vừa mất thời gian vừa làm cho bạn thêm tâm lý).
2. Khi nhận được đề
Giám thị dặn điều gì làm đúng như được dặn, không táy máy để bị nhắc nhở.
Điền + Tô đúng thông tin trong phiếu trả lời trắc nghiệm
Lúc giám thị đi phát đề, họ sẽ yêu cầu thí sinh để im đề, không được mở lên, sau khi phát xong có hiệu lệnh mới cho mở lên. Vậy thì đừng dại mà lén họ đang phát ra phía sau ta mà mở lên xem thế nào. Bởi rất có thể bạn sẽ bị nhắc nhở và trở thành "tầm ngắm" của giám thi trong suốt quá trình làm bài.
Sau khi cho mở đề lên, thí sinh sẽ có khoảng 5 đến 10 phút để đọc đề. Nhớ thời gian này là đọc đề chứ không phải là làm đề. Vậy nên đừng cầm bút hay máy tính lên rồi làm bài, nhiều khả năng sẽ bị nhắc nhở và lập biên bản. Giai đoạn này thì nên dành khoảng 1-2 phút mà “soi” đề, soi tất cả các mặt, đọc lướt qua các câu, xem xem có chỗ nào mờ hay mất chữ không, soi mã đề, số trang có thiếu không... Còn lại, tuy không cho cầm bút nhưng chắc chắn vẫn có thể tự làm trong đầu trước các câu lý thuyết được. Làm sẵn trong đầu để rồi khi có hiệu lệnh bắt đầu làm bài, chúng ta tô nhanh ngay đáp án các câu lý thuyết đã làm sẵn trong đầu rồi.
Khi nhận được đề, một số học sinh sẽ bị run, đổ mồ hôi và đánh trống ngực. Bạn đọc đi đọc lại các câu hỏi nhưng vẫn không hiểu. Ngay cả một số câu hỏi đơn giản đầu tiên cũng không thể xử lý. Kết quả là, bạn sẽ lo lắng hơn. Tại thời điểm này, thí sinh có thể tiếp tục "giải quyết vấn đề" với sự lo lắng. Nói chung, sự lo lắng này sẽ không kéo dài trong một thời gian dài. Sau một thời gian, bạn sẽ dần đắm mình trong các đề bài và bạn sẽ bình tĩnh lại. Sau khi hết lo lắng, bạn có thể quay lại và làm những câu hỏi mà trước đó bạn không hiểu.
3. Khi làm bài
- Phải nhớ tiêu chí DỄ TRƯỚC - KHÓ SAU: Mặc dù đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó nhưng điều này chỉ mang tính chất tương đối. Cố gắng 28-32 câu đầu là những câu dễ làm nhất, phải làm đúng, làm đến đâu chắc đúng đến đó.
- Nháp cẩn thận, chia vùng rõ ràng: Nháp xong 1 câu thì cách ra 1 đoạn rồi nháp câu tiếp để tránh nhầm lẫn câu nọ câu kia, giấy nháp được xin thêm, đừng ngại.
- Tô đáp án: Làm đến đâu tô luôn đến đó, nhiều bạn có thói quen làm 1 lượt mới tô vào đến cuối giờ lại không kịp thời gian rồi thành ra vội vàng, nhầm lẫn. Hãy nhớ, câu nào không thể làm được cũng phải tô đáp án, không được bỏ trống.
- CÁCH LỤI 10 câu cuối: Đã lụi là HÊN - XUI. Đã Hên - Xui là phải xởi lởi, đừng toan tính, người tính không bằng trời tính nên đã lụi là đáp án nào hiện lên trong đầu đầu tiên là chọn, không suy nghĩ về nó nữa.
Khi thi xong
Khi thi xong, đừng lo nghĩ về kết quả bởi lo lắng cũng không làm được gì. Thí sinh cũng không nên so đáp án với các bạn khác hoặc xem đáp án trên mạng bởi nó có thể khiến bạn bị tuột dốc tinh thần. Nên nhớ, đề khó là khó chung và quan trọng là phải phấn đấu cho các môn tiếp theo.
Phụ huynh cũng nên tạo không gian thật thoải mái để con em mình có điểm tựa gần gũi và an tâm nhất khi bước ra khỏi phòng thi. Đồng hành cùng con một cách nhẹ nhàng trong các môn thi tiếp theo.