Đồng chí Đỗ Thanh Thảo tham luận về “Phát huy vai trò của GV trẻ
đối với công tác của Chi Đoàn Giáo viên và nhà trường”
Đồng chí Đỗ Thanh Thảo tham luận về “Phát huy vai trò của GV trẻ
đối với công tác của Chi Đoàn Giáo viên và nhà trường”
Kính Thưa:
– Các vị đại biểu về dự Đại hội Chi đoàn giáo viên
– Các thầy, cô giáo trong Hội đồng giáo dục trường THPT Lê Văn Thiêm.
Chúng ta vừa nghe báo cáo tổng kết công tác của Chi đoàn giáo viên nhiệm kì 2015- 2016 và phương hướng nhiệm vụ, công tác của Chi đoàn giáo viên nhiệm kì mới. Bản thân tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo và dự thảo phương hướng trên.
Hôm nay, tôi rất vinh dự được thay mặt cho các công đoàn viên trình bày tham luận: “PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN TRẺ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CỦA CHI ĐOÀN GIÁO VIÊN VÀ NHÀ TRƯỜNG”
Hòa cùng không khí khởi đầu năm học mới, năm học với chủ đề “Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”, đồng thời tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để thực hiện những nhiệm vụ đó có hiệu quả thì đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng. Và hơn bao giờ hết, mỗi đoàn viên – giáo viên trẻ cần phải tự nguyện, tự giác phát huy năng lực bản thân, trau dồi kinh nghiệm giảng dạy để hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình.
*Thứ nhất, giáo viên trẻ cần nâng cao năng lực tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giờ dạy.
+ Thực hiện đúng qui chế về hồ sơ sổ sách
+ Tích cực đổi mới phương pháp dạy – học, đổi mới kiểm tra đánh giá phát huy năng lực học sinh, thao giảng, dự giờ, học hỏi rút kinh nghiệm đồng nghiệp
+ Tích cực sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng giờ dạy.
*Thứ hai, GV trẻ phải có nề nếp, tác phong, giao tiếp, ứng xử
+ Thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động, Nội quy – quy chế của nhà trường và của Ngành đề ra.
+ Mỗi thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh noi theo
+ Với đồng nghiệp tận tình, giúp đỡ chỉ bảo cho nhau
+ Giao tiếp đúng mực với Cha mẹ học sinh.
+ Yêu nghề, yêu người, tận tâm: cô giáo người mẹ hiền, đỡ đầu hs có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
*Thứ ba, ngoài việc phát huy vai trò là một giáo viên có chuyên môn tốt, giáo viên trẻ cần tích cực tham gia các công tác khác của nhà trường:
+ Tham gia công tác chủ nhiệm: Là một giáo viên nếu được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp thì thật là một điều hạnh phúc cho mình. Tôi cũng đã nghe rất nhiều giáo viên chia sẻ: “Nếu chỉ tới trường dạy chuyên môn mà không được tham gia công tác chủ nhiệm thì ví như người phụ nữ lấy chồng mà không có con, hạnh phúc không trọn vẹn”.
Vì vậy để làm tốt công tác chủ nhiệm: GVCN lớp trước hết phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tạo quan hệ thân thiện, gần gũi với học sinh, luôn luôn biết lắng nghe học sinh, cùng thỏa thuận, cùng thực hiện với học sinh, khen thưởng đúng lúc, xử lý kịp thời. Đồng thời giáo dục đạo đức, kỹ năng sống thông qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, NGLL. GV sẽ không thể làm tốt công tác chủ nhiệm nếu thiếu sự phối hợp giữa GVCN và các lực lượng giáo dục khác: CMHS, Đoàn trường, giám thị, giáo viên bộ môn.
Ngoài việc tham gia làm công tác chủ nhiệm, giáo viên trẻ cần nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Một câu hỏi đặt ra: Nếu bạn đến trường chỉ để đi dạy, liệu có nhàm chán không? Do đó là giáo viên cần tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, TDTT, các hoạt động từ thiện, vui chơi dã ngoại…
Hoạt động Văn hóa – văn nghệ – TDTT luôn là những hoạt động được đông đảo mọi người trong xã hội quan tâm vì: TDTT để nâng cao sức khỏe, Văn hóa – văn nghệ cho đời thêm vui. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy chuyên môn thì chúng ta không thể tách rời các hoạt động Văn hóa – văn nghệ – TDTT . Tham gia các hoạt động Văn hóa – văn nghệ – TDTT không chỉ giúp chúng ta có sức khoẻ tốt mà còn là sợi dây thắt chặt tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các công đoàn viên và giúp cho công đoàn viên lấy lại được sự cân bằng giữa việc dạy học và giải trí, thư giãn về tâm lí để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Để phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT thật sự phát triển tôi xin mạnh dạn đề xuất với BGH, công đoàn nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi giao lưu Văn hóa – văn nghệ – TDTT như thi hát karaoke, kéo co, cầu lông… giữa các tổ nhân các ngày kỉ niệm 20/10, 20/11, 8/3 để tiếp thêm sức khỏe, thắt chặt tinh thần đoàn kết, đem lại tiếng cười xua tan những mệt mỏi, áp lực công việc. Nhưng để làm được điều đó không chỉ cần sự quan tâm của BCH, công đoàn nhà trường mà còn cần sự ủng hộ nhiệt tình tham gia của các công đoàn viên.
Trên đây là một vài ý kiến của tôi trong tham luận: “PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN TRẺ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CỦA CHI ĐOÀN GIÁO VIÊN VÀ NHÀ TRƯỜNG“
Rất mong ý kiến đóng góp của các đồng chí để bản tham luận được hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, tôi xin chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các đồng chí công đoàn viên gặt hái được nhiều thành công trong công tác. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!