Bộ môn Lịch sử có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối việc giáo dục thế hệ trẻ. Qua học môn Lịch sử học sinh hiểu biết về quá khứ, hướng về cội nguồn dân tộc đất nước và địa phương, giáo dục cho học sinh lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước.
Năm học 2020 – 2021, tôi tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử và phần mềm dạy học trong Ngày hội Công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội lần thứ V với sản phẩm bài giảng E-learning: Chùa Đậu trong đời sống tâm linh của người Việt. Bài giảng E-learning được tôi thiết kế để giảng dạy phần Lịch sử địa phương trong chương trình Lịch sử lớp10. Bài giảng đã được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Khi áp dụng vào chương trình giảng dạy cho học sinh, học sinh rất hào hứng đón nhận kiến thức với phương pháp giảng dạy mới này.
Từ kết quả đạt được đó, tôi những suy nghĩ rằng: Ngay trong chính tiết dạy của tôi, tôi phải có những phương pháp giúp học sinh tiếp cận với những kiến thức lịch sử, khơi dậy sự sáng tạo của học sinh trong việc thể hiện kiến thức bằng các sản phẩm học tập do chính học sinh tạo ra.
Xuất phát từ lý do đó, tôi mạnh dạn viết lên những biện pháp tôi đã áp dụng trong quá trình giảng dạy và một số kết quả thu được trong đề tài: “Giải pháp đa dạng hóa hình thức sản phẩm học tập trong dạy học môn Lịch sử nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh.”
II: ĐẶC ĐIỂM LỨA TUỔI HỌC SINH THPT
Lứa tuổi học sinh THPT - lứa tuổi thiếu niên người ta còn nói là lứa tuổi “vừa trẻ con - vừa người lớn” học sinh bậc học này muốn thể hiện tính người lớn của mình trong nhiều hoạt động: suy nghĩ độc lập hơn, có chính kiến của bản thân… song ở lứa tuổi này “tính ương ngạnh” của các em còn cao. Qua thời gian công tác giảng dạy, tiếp xúc với các em tôi nhận thấy rằng: Nếu việc giáo viên truyền đạt hoàn toàn kiến thức cho học sinh thì học sinh sẽ nảy sinh tư tưởng thụ động trong việc làm chủ kiến thức.
Hiểu được tâm lý đó, tôi thường thiết kế những bài giảng tạo hứng thú và mang tính định hướng phát triển năng lực tư suy, kích thích sự sáng tạo của học sinh trong việc tự đón nhận và làm chủ kiến thức, thể hiện kiến thức Lịch sử bằng nhiều sản phẩm học tập đa dạng.
III: NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Sản phẩm học tập của học sinh là kết quả của quá trình thực hiện một nhiệm vụ học tập cụ thể. Sản phẩm học tập của học sinh có hình thức đa dạng, có thể chia thành các sản phẩm vô hình và các sản phẩm hữu hình.
Trong một tiết học, học sinh không chỉ sử dụng một hình thức sản phẩm mà có thể sử dụng nhiều hình thức sản phẩm để báo cáo. Trên cơ sở được giao nhiệm vụ học tập, học sinh sẽ chủ động lựa chọn hình thức sản phẩm học tập phù hợp để thực hiện và báo cáo.
3.1. Hình thức sản phẩm học tập là Câu trả lời của học sinh
3.1.1. Mục tiêu: Phát triển năng lực đọc, hiểu thông tin về sự kiện lịch sử.
Hình thức này được tác giả áp dụng thường xuyên và tiến hành với các bước thông qua ví dụ cụ thể sau:
Khi dạy Bài 6: Cách mạng công nghiệp thời cận đại (LS 10) giáo viên có thể mở bài bằng cách yêu cầu học sinh theo dõi hình ảnh các thành tựu khoa học sau đó trả lời câu hỏi: Em hãy trình bày hiểu biết của em về những thành tựu trên?
Sản phẩm sẽ là câu trả lời của học sinh: Trình bày hiểu biết của mình về những thành tựu khoa học trên.
Cách tổ chức thực hiện:
+ Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát kênh hình và trả lời câu hỏi: Nêu hiểu biết của em về các bức hình trên.
+ Thực hiện nhiệm vụ: Giáo viên chiếu hình ảnh, học sinh quan sát và suy nghĩ để trả lời câu hỏi.
+ Báo cáo, thảo luận: Học sinh trả lời câu hỏi.
+ Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét câu trả lời của học sinh và giới thiệu vào bài học.
3.2. Hình thức sản phẩm học tập là bài thuyết trình bằng powerpoint
3.2.1: Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này, chủ yếu học sinh sẽ hình thành năng lực công nghệ, năng lực hợp tác, năng lực thực hành bộ môn lịch sử.
Hình thức này được tác giả áp dụng thường xuyên và tiến hành với các bước thông qua ví dụ cụ thể sau:
Khi giảng dạy Bài 11: Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, giáo viên hướng dẫn học sinh lựa chọn sản phẩm học tập bằng hình thức thiết kế các trang powerpoint để thuyết trình.
Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên yêu cầu học sinh tìm hiểu bộ thành tựu kinh tế nước ta từ năm 1986 đến 2020.
Thực hiện nhiệm vụ:
+ Xác định nội dung báo cáo
+ Thu thập tranh, ảnh, video, tư liệu liên quan đến nội dung báo cáo.
+ Nhóm thiết kế nội dung báo cáo thành các trang slide sau đó viết bài thuyết trình để báo cáo.
Báo cáo, thảo luận: Đại diện nhóm học sinh báo cáo bằng powerpoint. Các nhóm học sinh khác nhận xét, phản biện.
Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét, đánh giá sản phẩm học tập và phần trình bày của học sinh.
3.3. Hình thức sản phẩm học tập là Cuộc phỏng vấn chuyên gia
3.3.1. Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này sẽ giúp học sinh chủ yếu hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực hợp tác, năng lực phân tích, tổng hợp các sự kiện lịch sử.
Hình thức sản phẩm học tập này được tác giả hướng dẫn học sinh thực hiện trong Chuyên đề liên môn Vùng đất Long Biên: Xưa và nay.
Lập kế hoạch:
+ Xác định nội dung phỏng vấn
+ Xác định những người có liên quan;
+ Xác định thông tin cần khai thác và người có thể cung cấp thông tin đó
- Xây dựng kịch bản: Đặt các câu hỏi, giả thiết các tình huống liên quan đến nội dung.
- Lựa chọn và hướng dẫn học sinh làm MC:
+ Thực hành cách sử dụng công cụ phỏng vấn.
+ Các bài tập xây dựng kỹ năng phỏng vấn và giao tiếp.
- Tổ chức báo cáo kết quả
- Tổ chức nhận xét, đánh giá, phản biện.
3.4. Hình thức sản phẩm học tập là Thiết kế tờ báo hình
3.4.1. Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này sẽ giúp học sinh hình thành năng lực thẩm mĩ, năng lực hợp tác, năng lực phân tích, tổng hợp.
Hình thức này được tác giả áp dụng thường xuyên và tiến hành với các bước thông qua ví dụ sau:
Khi dạy Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây thời cổ - trung đại, mục 1 Những thành tựu tiêu biểu của văn minh Hy Lạp – La Mã thờ cổ - trung đại giáo viên hướng dẫn học sinh làm báo hình với các bước cụ thể:
- Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên yêu cầu nhóm học sinh tìm hiểu về Đại hội thể thao Olimpic.
- Thực hiện nhiệm vụ:
+ Học sinh sưu tầm tranh, ảnh liên quan
+ HS vẽ tranh về đời sống vật chất, đời sống tinh thần.
+ Xây dựng bài thuyết trình.
- Báo cáo, thảo luận: Đại diện nhóm học sinh báo cáo bằng tờ báo hình. Các nhóm nhận xét, phản biện
- Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét, đánh giá sản phẩm học tập và phần trình bày của học sinh.
3.5. Hình thức sản phẩm học tập là Trò chơi được thiết kế bằng phần mềm công nghệ.
3.5.1. Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này sẽ giúp học sinh hình thành năng lực công nghệ, năng lực hợp tác, năng lực nhận xét, đánh giá sự kiện, hiện tượng lịch sử.
Khi dạy Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (LS 11) Giáo viên hướng dẫn học sinh thiết kế và tổ chức trò chơi Đuổi hình bắt chữ với các bước cụ thể:
- Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên gửi yêu cầu và hướng dẫn cụ thể nhóm học sinh thiết kế trò chơi Đuổi hình bắt chữ.
- Thực hiện nhiệm vụ:
+ Học sinh sưu tầm tư liệu, hình ảnh.
+ Học sinh thiết kế trò chơi, luật chơi và chọn quản trò.
+ Học sinh chuẩn bị phần thưởng.
- Báo cáo sản phẩm, thảo luận:
+ Hai học sinh là quản trò đại diện cho nhóm học sinh giới thiệu tên trò chơi, phổ biến luật chơi, cử 1 học sinh phụ trách kĩ thuật và 1 học sinh phát phần thưởng.
+ Học sinh quản trò tổ chức cho cả lớp tham gia trò chơi. Học sinh có nhiệm vụ sẽ phát quà cho học sinh trả lời đúng. 2 quản trò yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập lịch sử đã chuẩn bị.
+ Giáo viên tổ chức các nhóm học sinh nhận xét, bổ sung.
- Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét, đánh giá sản phẩm học tập và phần trình bày của học sinh.
3.6. Hình thức sản phẩm học tập là thiết kế Sơ đồ tư duy
3.6.1. Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này sẽ giúp học sinh hình thành năng lực thẩm mĩ, năng lực tự chủ và tự học, năng lực phân tích, tổng hợp, thực hành bộ môn lịch sử.
Khi dạy Bài 14: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam (LS 10) giáo viên hướng dẫn học sinh thiết kế sơ đồ tư duy với các bước cụ thể:
- Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên yêu cầu nhóm học sinh thiết kế sơ đồ tư duy trình bày đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
- Thực hiện nhiệm vụ:
+ Học sinh sưu tầm tư liệu, hình ảnh.
+ Học sinh thiết kế sơ đồ tư duy (lựa chọn mẫu, kích thước và màu sắc...)
+ Học sinh viết bài thuyết trình.
- Báo cáo sản phẩm, thảo luận:
+ 2 học sinh đại diện thuyết trình nội dung bài học bằng sơ đồ tư duy đã chuẩn bị.
+ Giáo viên tổ chức các nhóm học sinh nhận xét, bổ sung.
- Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét, đánh giá sản phẩm học tập và phần trình bày của học sinh.
3.7. Hình thức sản phẩm học tập là Sân khấu hóa kiến thức lịch sử
3.7.1. Mục tiêu: Tham gia hoàn thành sản phẩm học tập này sẽ giúp học sinh hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực hợp tác, năng lực nhận xét, đánh giá nhân vật lịch sử.
Hình thức sản phẩm học tập này được tác giả hướng dẫn học sinh thực hiện trong Chuyên đề liên môn Vùng đất Long Biên: Xưa và nay.
- Chuyển giao nhiệm vụ: Giáo viên yêu cầu nhóm học sinh tìm hiểu về Lý Thường Kiệt; Anh hùng – phi công Vũ Xuân Thiều.
- Thực hiện nhiệm vụ:
+ Học sinh sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu liên quan.
+ Học sinh viết kịch bản với các cảnh cụ thể về tiểu sử Lý Thường Kiệt, Anh hùng – phi công Vũ Xuân Thiều.
+ Tiến hành lựa chọn, phân vai và đóng hoạt cảnh.
+ Thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn.
- Báo cáo, thảo luận: Đại diện nhóm học sinh báo cáo bằng hoạt cảnh. Các nhóm nhận xét, phản biện.
- Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét, đánh giá sản phẩm học tập và phần trình bày của học sinh.
Trên đây tôi đã trình bày xuất phát điểm, nội dung và những biện pháp, cách thức tiến hành cần thiết để thực hiện “Giải pháp đa dạng hóa hình thức sản phẩm học tập trong dạy học môn Lịch sử nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh.” Thông qua giải pháp, vừa phát huy được tính năng độc làm chủ kiến thức vừa nâng cao tính sáng tạo của học sinh trong việc thể hiện kiến thức thu nhận được qua quá trình học tập, thực hành của học sinh. Đồng thời, chính điều đó làm cho các em thêm yêu môn học hơn từ đó chăm chỉ học tập hơn.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đưa ra những cách thức làm đa dạng hóa các sản phẩn học tập của học sinh trong dạy học môn Lịch sử bậc THPT, qua đó học sinh dễ có thể tiếp nhận, vận dụng kiến thức về công nghệ, tư duy sáng tạo để thể hiện bản thân mình.
1.2.1. Tính mới, tính sáng tạo
Học sinh biết thêm được nhiều hình thức sản phẩm học tập của cá nhân hoặc nhóm để từ đó chủ động lựa chọn hình thức sản phẩm học tập phù hợp với nội dung nhiệm vụ học tập được giao.
Học sinh được hình thành những năng lực cần thiết trong quá trình tham gia hoàn thành sản phẩm học tập của cá nhân hoặc nhóm.
Kết nối được các lực lượng trong việc giúp học sinh hoàn thành những sản phẩm học tập phức tạp, công phu.
1.2.2. Khả năng áp dụng và nhân rộng
Các hình thức sản phẩm học tập được trình bày trong sáng kiến hoàn toàn có thể áp dụng được ở các khối lớp của trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời các hình thức sản phẩm học tập trên có thể là tư liệu tham khảo áp dụng trong giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội và nghệ thuật khác trong chương trình giáo dục.
1.3. Ưu điểm, hạn chế của các giải pháp đã, đang áp dụng tại đơn vị
Ưu điểm
Hình thành cho học sinh những năng lực chung, năng lực đặc thù và năng lực chuyên biệt bộ môn Lịch sử.
Tạo được hứng thú cho học sinh khi tham gia các hoạt động trong giờ học lịch sử.
Hạn chế
Cần đầu tư thời gian và kinh phí để tiến hành các hoạt động.
Để làm thực hiện tốt giải pháp đa dạng hóa hình thức sản phẩm học tập trong dạy học môn Lịch sử, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, liên tục cập nhập kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy.
Các cấp, các ngành và nhà trường cần đầu tư những máy móc, trang thiết bị cần thiết để để đáp ứng nhu cầu học tập, sáng tạo của giáo viên và học sinh.
Các sản phẩm học tập của học sinh không chỉ dừng lại trong khuôn khổ bài học mà nên thông báo rộng để các em học sinh có thể tiếp cận, học tập và thực hành.