banne_logo_chuan_le_van_thiem
fcbk youtube googlepluscircleiconpng twitter

VAI TRÒ MÔN GIÁO DỤC KINH TẾ & PHÁP LUẬT

 

Môn GDKT&PL ở cấp trung học phổ thông giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển ý thức, hành vi của công dân. Thông qua các bài học nhằm bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức và năng lực cốt lõi, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Trong chương trình SGK mới lớp 12, môn GDCD được đổi tên thành môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, đây là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi, mang tính ứng dụng và thiết thực với đời sống. Các chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, sở thích và định hướng nghề nghiệp cho tương lai của học sinh. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại quan niệm lệch lạc khi cho rằng GDKT&PL chỉ là môn học phụ, môn bổ trợ hoặc đồng nhất môn học với môn chính trị, đạo đức thuần tuý.

Trong chương trình Giáo dục kinh tế và pháp luật 12 gồm có 2 phần: Phần giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật. Để các giờ dạy đạt kết quả tốt hơn, gây được hứng thú học tập và phát huy được tính tích cực của học sinh, GV cần có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về bài dạy. GV có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau như: SGK, tài liệu tham khảo, sử dụng phương pháp dạy học dự án, vận dụng các sự kiện thực tế, các tấm gương điển hình, lồng ghép những mẩu chuyện trong cuộc sống đời thường vào bài giảng để học sinh dễ hiểu và cảm nhận sâu sắc là một vấn đề rất cần thiết. Một trong những phương pháp dạy học đem lại hiệu quả cao là vận dụng phương pháp dạy học dự án. Các chuyên đề phần kinh tế đều mang tính mở, rất gần gũi với thực tiễn, các em có thể vận dụng được nhiều kiến thức vào thực tế, kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, việc sử dụng phương pháp dạy học dự án là hoàn toàn phù hợp và đem lại hiệu quả cao. Qua thực tế áp dụng tại Trường THPT Lê Văn Thiêm, tôi thấy việc áp dụng phương pháp dạy học dự án đã đem lại nhiều kết quả khả quan, học sinh tích cực, giờ học sôi nổi, đặc biệt là năng lực sáng tạo của các em được hình thành qua từng dự án. Vì vậy, tôi chọn chuyên đề: “sử dụng phương pháp dự án vào dạy học bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – môn GD KTPL lớp 12”

Mục đích nghiên cứu

Hình thành và phát triển năng lực tham gia các hoạt động kinh tế xã hội của học sinh thông qua việc vận dụng phương pháp dự án

Chương 1: Cơ sở khoa học

1.1. Cơ sở lý luận

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Vì vậy mỗi giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức và năng lực cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra. Đối với giáo viên, dạy học là một nghệ thuật, nghệ thuật trong dạy học môn GDKT&PL là người giáo viên phải biết biến cái khó thành dễ, cái phức tạp, cái trừu tượng thành cái đơn giản, cụ thể bằng cách làm đa dạng hóa các hoạt động để thu hút sự chú ý của học sinh. Muốn vậy giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp trong một giờ dạy đặc biệt là các phương pháp mới, một trong các phương pháp đáp ứng được các yêu cầu đó đó là phương pháp DHDA.

Tham gia vào dự án do giáo viên tổ chức là học sinh đã vượt lên chính bản thân mình, chiến thắng tính nhút nhát, hòa mình vào tập thể đồng thời cũng tự mình suy nghĩ, sáng tạo ra cái mới, cách làm mới. Đây thực sự là cách để học sinh chủ động lĩnh hội, khắc sâu kiến thức bài học, vận dụng kiến thức của bài học vào thực tiễn đời sống.

1.1.1 Dạy học theo phương pháp Dự án

Thuật ngữ “Dự án” (project) được hiểu là một đề án, dự thảo hay kế hoạch cần thực hiện để đạt được mục đích đặt ra. Từ đầu thế kỉ XX, các nhà sư phạm Mĩ đã xây dựng cơ sở lí luận cho phương pháp dự án và coi đây là phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện dạy học hướng vào người học nhằm khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống. Cho đến nay có nhiều cách định nghĩa khác nhau về dạy học dự án, song có thể hiểu “Dạy học theo dự án là một hình thức dạy học trong đó học sinh thực hiện một nhiệm vụ phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành”, học sinh tự lập kế hoạch thực hiện và đánh giá kết quả. Dạy học dự án hình thành cho học sinh năng lực sáng tạo, giải quyết các vấn đề phức hợp, tinh thần trách nhiệm và khả năng hợp tác của người học, hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm.

Dạy học dự án là một phương pháp dạy học có rất nhiều ưu điểm:

- Kích thích được động cơ, hứng thú học tập của người học.

- Giúp học sinh phát triển kiến thức và hình thành các kỹ năng liên quan thông qua những nhiệm vụ học tập mang tính mở, khuyến khích học sinh tìm tòi, hiện thực hóa những kiến thức đã học và tạo ra những sản phẩm của chính mình.

- Thông qua dạy học theo dự án, học sinh sẽ hình thành được những kỹ năng sống cho bản thân như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng chất vấn, kỹ năng phản biện, kỹ năng trình bày, báo cáo sản phẩm.

- Rèn luyện chocác em kĩ năng giải quyết những vấn đề phức hợp, tính bền bỉ, kiên nhẫn.

- Cho phép phân hóa trình độ học sinh

Bên cạnh những ưu điểm thì dạy học theo dự án có những hạn chế sau :

- DHDA không phù hợp với việc truyền thụ tri thức lí thuyết mang tính trừu tượng, hệ thống.

- Để thực hiện dự án đòi cần nhiều thời gian, đây là trở ngại lớn nhất nếu không bố trí thời gian phù hợp hoặc giáo viên không có sự linh hoạt thì buộc những người thực hiện dự án phải làm việc ngoài giờ.

- Bên cạnh đó dạy học dự án đòi hỏi phương tiện vật chất và tài chính phù hợp.

- Đòi hỏi GV phải nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ nhất định.

Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học tích cực, bản chất của phương pháp này đã tạo nên một sự thay đổi lớn về vai trò của người dạy và người học, khi tham gia dự án giáo viên và học sinh đều có vai trò quan trọng.

- Vai trò của học sinh :

+  Học sinh là người chịu trách nhiệm chính, là trung tâm của quá trình dạy học, là người tiếp cận vấn đề cũng như phương pháp và các hoạt động cần phải tiến hành để giải quyết vấn đề đó. Cũng chính vì vậy dạy học theo dự án trở nên thực tế, hữu ích và hấp dẫn với học sinh.

+ Học sinh tập giải quyết các vấn đề của cuộc sống thông qua làm việc nhóm. Chính học sinh là người lựa chọn nguồn dữ liệu, thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau rồi tổng hợp, phân tích, tích lũy kiến thức, tự quyết cách tiếp cận của mình với nhiệm vụ được giao. Các em hoàn thành việc học với các sản phẩm cụ thể và có thể trình bày, bảo vệ sản phẩm đó. Cuối cùng bản thân HS là người đánh giá và được đánh giá dựa trên những gì đã thu thập được.

- Vai trò của giáo viên:

+ Khác với phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên đóng vai trò trung tâm, là chuyên gia truyền đạt kiến thức, thì trong dạy học dự án giáo viên là người hướng dẫn, tham vấn cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên là người tạo động lực thúc đẩy vai trò tự chủ của học sinh, gắn sự chủ động của học sinh trong việc giải quyết nội dung bài học. Giáo viên chịu trách nhiệm tư vấn và giúp học sinh giải quyết các vướng mắc chứ không giải quyết hộ cho học sinh.

+ Năng lực và vai trò của giáo viên thể hiện ở cách hỗ trợ học sinh không chỉ bằng chỉ dẫn mà còn bằng các sản phẩm mẫu, các tài liệu tham khảo, các nguồn thông tin, cách chuyển giao công việc và quá trình đánh giá.

Dạy học theo dự án sẽ tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập, ứng dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống. Ngoài ra còn giúp HS củng cố và xây dựng các kỹ năng hợp tác, giao tiếp và học tập độc lập; chuẩn bị hành trang cho các em học tập suốt đời và đối mặt với các thử thách trong cuộc sống. Đối với giáo viên, dạy học theo dự án là điều kiện để bản thân có thể vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau, góp phần trang bị kiến thức toàn diện cho học sinh, bên cạnh đó giáo viên còn có thể khai thác được thế mạnh cho các em. Việc sử dụng dạy học dự án trong nhà trường góp phần đổi mới phương pháp dạy học, cải thiện chất lượng học tập, khai thác và phát triển khả năng sáng tạo của học sinh.

1.1.2 Nguyên tắc áp dụng phương pháp dự án.

DHDA là cơ hội để các em thể hiện những thế mạnh của cá nhân và phát huy sự sáng tạo của mình. Giúp học sinh thể hiện ý kiến, phản biện và tìm cách bảo vệ quan điểm của mình, tự tìm ra phương án giải quyết vấn đề và lựa chọn phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên khi thiết kế các bài học theo phương pháp dự án cần đảm bảo các nguyên tắc:

+ Học sinh là nhân vật trung tâm

Trong dạy học dự án học sinh là người làm chủ tiết học, các em tham gia chọn đề tài học tập phù hợp với trình độ kiến thức và năng lực cá nhân. Học sinh được cộng tác làm việc, lựa chọn nhiệm vụ phù hợp, các nhiệm vụ học tập thường được thực hiện theo nhóm, đòi hỏi cần có sự hợp tác và phân công giữa các thành viên trong nhóm. Qua đó rèn luyện tính sẵn sàng và kỹ năng cộng tác làm việc giữa các thành viên tham gia, giữa GV và HS cũng như các lực lượng xã hội tham gia vào dự án.

+ Dự án phải gắn với thực tiễn, có giá trị thực tiễn

Trong dạy học dự án thực tiễn là một trong những yếu tố quan trọng, nên trong dạy học cần làm nổi bật được điều đó, yêu cầu học sinh đi vào thực tế, tìm kiếm tư liệu và có sự thực hành trong đời sống. Chủ đề dự án xuất phát từ tình huống của thực tiễn đời sống xã hội, phù hợp với trình độ và năng lực của người học. Học sinh phát triển khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tích hợp các kiến thức đã học thông qua đó kiểm tra, củng cố, mở rộng hiểu biết lí thuyết và rèn luyện kĩ năng hành động của mình.

Trong quá trình triển khai cần có sự đánh giá công bằng và thường xuyên để đảm bảo mức độ lĩnh hội cũng như khả năng tham gia của người học vào dự án. Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, đánh giá trước, trong và sau quá trình thực hiện dự án.

1.2. Tác dụng của việc vận dụng phương pháp dạy học Dự án khi dạy phần Giáo dục kinh tế - môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Để gây hứng thú cho học sinh, giáo viên phải khắc phục tính chất đơn điệu, nghèo nàn trong việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Dạy học theo dự án là phương pháp có hiệu quả để thu hút sự tham gia của học sinh. Trong dự án mỗi người đều bình đẳng và đều cố gắng thể hiện hết mình. Vì vậy dạy học theo dự án không chỉ là biện pháp để tăng cường hứng thú trong học tập, nâng cao sự chú ý, thay đổi các trạng thái tâm lí mệt mỏi trong quá trình nhận thức mà còn là biện pháp rèn luyện các kĩ năng giao tiếp, củng cố và phát triển khả năng tự tin của các em trong học tập và trong ứng xử. Giáo viên có thể tùy từng bài, từng thời gian sử dụng và phụ thuộc thực tế học sinh để tổ chức các loại dự án khác nhau như: Dự án cá nhân, dự án nhóm, dự án toàn lớp, dự án toàn trường. Trong dạy học dự án, nội dung học tập trở nên có ý nghĩa hơn bởi vì nó được tích hợp với các vấn đề của đời sống thực, từ đó kích thích sự hứng thú học tập của người học.

Trong phần Giáo dục kinh tế, các chủ đề, bài học gắn liền với thực tiễn kinh tế - xã hội như: Thị trường, các chủ thể sản xuất, cơ chế thị trường, các mô hình sản xuất kinh doanh… Thông qua sự hỗ trợ và hướng dẫn của giáo viên, các năng lực của HS được hình thành như: Năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là năng lực sáng tạo. Dạy học dự án đã tạo ra môi trường thuận lợi để các em rèn luyện và phát triển được vai trò chủ thể của mình. Học sinh được chủ động tham gia vào tất cả các khâu của dự án, từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và khả năng của bản thân. Học sinh được trải nghiệm, bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện và tự khẳng định, được tự đánh giá bản thân và đánh giá kết quả hoạt động của nhóm mình và nhóm bạn.

Chương 2: Thực hiện chuyên đề.

Phân tích nội dung kiến thức của bài dạy sử dụng phương pháp dự án.

Trách nhiệm kinh tế

Khái niệm: Trách nhiệm kinh tế là việc doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của xã hội.

Khó khăn:

  • Học sinh thường hiểu chưa đầy đủ về mối quan hệ giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
  • Có thể nhầm lẫn rằng doanh nghiệp chỉ cần tạo ra lợi nhuận là đủ, mà không thấy rõ doanh nghiệp cần cân bằng lợi ích với các bên liên quan (người lao động, khách hàng, nhà nước).

Cách khắc phục:

  • Ví dụ thực tiễn: Minh họa bằng các doanh nghiệp vừa tạo ra lợi nhuận vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững (VD: doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tạo việc làm ổn định).
  • Phân tích mối liên hệ: Lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, nhưng nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm khác sẽ không bền vững.

Trách nhiệm pháp lý

Khái niệm: Trách nhiệm pháp lý là việc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động (nộp thuế đầy đủ, bảo vệ quyền lợi người lao động, tuân thủ các quy định về môi trường...).

Khó khăn:

  • Học sinh có thể chỉ hiểu trách nhiệm pháp lý một cách máy móc (chỉ cần tuân thủ luật pháp) mà chưa thấy được hậu quả của việc vi phạm pháp luật.
  • Việc hiểu rõ các lĩnh vực pháp luật liên quan đến doanh nghiệp (luật lao động, môi trường, thuế) còn phức tạp và khô khan.

Cách khắc phục:

  • Ví dụ thực tế: Nêu trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật (VD: trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường) và hậu quả pháp lý mà doanh nghiệp phải chịu.
  • Kết hợp câu hỏi tình huống: "Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường, họ sẽ chịu trách nhiệm gì?"

Trách nhiệm đạo đức

Khái niệm: Trách nhiệm đạo đức là việc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đúng với các chuẩn mực đạo đức xã hội, ngay cả khi pháp luật không bắt buộc (như đảm bảo chất lượng sản phẩm, đối xử công bằng với người lao động).

Khó khăn:

  • Học sinh dễ nhầm lẫn trách nhiệm đạo đức với trách nhiệm pháp lý. Cần phân biệt: đạo đức là những điều nên làm, không mang tính bắt buộc như pháp luật.
  • Khó hiểu về lợi ích lâu dài của việc thực hiện trách nhiệm đạo đức (uy tín thương hiệu, lòng tin của khách hàng).

Cách khắc phục:

  • Ví dụ minh họa: Doanh nghiệp từ chối sử dụng nguyên liệu kém chất lượng dù điều này giúp tăng lợi nhuận trong ngắn hạn.
  • Sử dụng các câu hỏi: "Doanh nghiệp A không vi phạm pháp luật nhưng lại sản xuất hàng kém chất lượng. Hành động này có đúng không? Vì sao?"

Trách nhiệm từ thiện (nhân đạo)

Khái niệm: Là trách nhiệm thực hiện các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo nhằm hỗ trợ cộng đồng (như xây nhà tình nghĩa, đóng góp quỹ học bổng, cứu trợ thiên tai...).

Khó khăn:

  • Học sinh có thể nhầm trách nhiệm từ thiện là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Cần hiểu rõ: từ thiện là trách nhiệm mang tính tự nguyện, thể hiện giá trị nhân văn của doanh nghiệp.
  • Học sinh chưa thấy được ý nghĩa sâu sắc của hoạt động từ thiện đối với xã hội và uy tín doanh nghiệp.

Cách khắc phục:

  • Ví dụ thực tế: Doanh nghiệp tham gia cứu trợ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó...
  • Thảo luận: "Vì sao doanh nghiệp lại thực hiện các hoạt động từ thiện? Điều này mang lại lợi ích gì cho cộng đồng và bản thân doanh nghiệp?"

Tổng kết mối quan hệ giữa các trách nhiệm

- Giải thích cho học sinh thấy rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa 4 trách nhiệm:

+ Trách nhiệm kinh tế là nền tảng.

+ Trách nhiệm pháp lý đảm bảo hoạt động hợp pháp.

+ Trách nhiệm đạo đức nâng cao uy tín doanh nghiệp.

+ Trách nhiệm từ thiện thể hiện tinh thần nhân văn và sự đóng góp cho cộng đồng.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện tốt một trong các trách nhiệm này, sự phát triển sẽ không bền vững.

2. Quy trình dạy học dự án áp dụng vào bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

2.1. Xác định chủ đề dự án

  • Chủ đề: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vá các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

2.2. Tiến trình thực hiện dự án

Giai đoạn 1: Khởi động: Giáo viên giới thiệu bài học và chủ đề dự án.

Đặt câu hỏi định hướng: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có những hình thức nào?

Giai đoạn 2: Lập kế hoạch | - Các nhóm thảo luận và lập kế hoạch thực hiện dự án:

GV giao nhiệm vụ cho HS đọc thông tin trong SGK và trả lời câu hỏi: Em hãy làm rõ các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện qua tháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

GV chia lớp thành 4 nhóm để tiến hành thảo luận nhóm:

+ Nhóm 1: Hình thức thực hiện trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp có biểu hiện như thế nào? Lấy VD?      

+ Nhóm 2: Hình thức thực hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp có biểu hiện như thế nào? Lấy VD?

+ Nhóm 3: Hình thức thực hiện trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp có biểu hiện như thế nào? Lấy VD?

+ Nhóm 4: Hình thức thực hiện trách nhiệm từ thiện, thiện nguyện của doanh nghiệp có biểu hiện như thế nào? Lấy VD?

Phân công nhiệm vụ

Nhóm :

Nhóm trưởng:

TT

Họ và tên

Vai trò

Nhiệm vụ

 

 

Trưởng nhóm

Quản lí, phụ trách chung, trình bày trước lớp

 

 

Thư

Ghi chép hoạt động của nhóm

 

 

Thành viên

Ghi chép hoạt động của nhóm

 

 

Thành viên

Chụp ảnh, ghi hình minh chứng của nhóm

 

 

Thành viên

Chụp ảnh, ghi hình minh chứng của nhóm

 

 

Thành viên

Ghi chép hoạt động của nhóm

Thư ký:…………………………Nhóm trưởng:……………………….

 

 Giai đoạn 3: Thực hiện dự án | - Các nhóm tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu (qua báo chí, mạng internet hoặc phỏng vấn doanh nghiệp).

  • Tổng hợp kết quả, thảo luận và làm sản phẩm dự án (báo cáo, video, poster, PowerPoint,...).

Giai đoạn 4: Báo cáo kết quả | - Các nhóm trình bày sản phẩm dự án (bằng thuyết trình, video, poster,…).

  • Lớp học phản biện, đánh giá và chia sẻ ý kiến.

2.3.  Kết quả mong đợi.

  • Đối với học sinh:
    • Năng lực tự học, tìm kiếm thông tin.
    • Năng lực giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm.
    • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
    • Hiểu rõ nội dung bài học, đặc biệt là vai trò và ý nghĩa của trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.
    • Hình thành năng lực:
    • Gắn kết lý thuyết với thực tiễn cuộc sống thông qua hoạt động nghiên cứu.
  • Đối với giáo viên:
    • Nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động học tập dựa trên dự án.
    • Tạo hứng thú học tập và phát huy tính tích cực của học sinh.

2.4. Tiến hành tiết dạy minh họa

  • Giáo viên thực hiện: Cô Hữu Thị Hạnh
  • Lớp học: 12D8
  • Thời gian: 6/11/2024
  • Nội dung chính của bài dạy:
    • Trách nhiệm kinh tế
    • Trách nhiệm pháp lý
    • Trách nhiệm đạo đức
    • Trách nhiệm từ thiện
    • Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
    • Các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội:

Phương pháp dạy học:

  • Dự án học tập: Giáo viên đặt tình huống thực tế liên quan đến trách nhiệm xã hội.
  • Thảo luận nhóm: Học sinh xử lý tình huống, đưa ra giải pháp và trình bày ý kiến.
  • Đóng vai: Mô phỏng tình huống doanh nghiệp vi phạm hoặc thực hiện trách nhiệm xã hội.
  • Liên hệ thực tế: Học sinh nêu ví dụ thực tiễn về các doanh nghiệp.

Kết quả tiết dạy:

   - Học sinh tích cực tham gia thảo luận, trao đổi và trình bày ý kiến.

   - Học sinh hiểu được khái niệm, biểu hiện của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

   - Phát triển năng lực tư duy, giao tiếp, hợp tác nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề.

   - Sau khi rút kinh nghiệm, tiết dạy được áp dụng dạy đại trà với các lớp.

3. Thảo luận, rút kinh nghiệm

a. Những điểm mạnh:

- Giáo viên đã tổ chức tốt các hoạt động học tập, tạo điều kiện cho học sinh được thảo luận và thể hiện ý kiến.

- Học sinh tham gia tích cực, nắm bắt được nội dung bài học và có khả năng liên hệ thực tế.

- Phương pháp dạy học phù hợp, phát huy tính chủ động và sáng tạo của học sinh.

b. Những hạn chế:

- Một số học sinh còn rụt rè, chưa mạnh dạn khi trình bày ý kiến.

- Cần bổ sung thêm ví dụ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh địa phương.

Bài học kinh nghiệm

Phương pháp dạy học tích cực đã đem lại nhiều tác động tích cực cho cả GV và HS. Sau khi thực nghiệm đề tài tại lớp 12D8 tôi đã rút ra được các bài học kinh nghiệm sau:

+ Để dự án đạt kết quả tốt cần lựa chọn các nội dung, chủ đề thích hợp có tính thực tiễn cao. GV cần cân nhắc lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh, tránh quá sức đối với các em, những dự án quy mô lớn, những nội dung không gần gũi với thực tiễn sẽ không đem lại hiệu quả cao.

+ Cần quy định thời gian thực hiện dự án rõ ràng, phù hợp với đối tượng học sinh. Việc quy định thời gian cụ thể với từng nội dung sẽ giúp các em tự điều chỉnh, lên kế hoạch thực hiện dự án.

+ Quá trình thực hiện dự án GV cần phải quan sát, theo dõi, hỗ trợ học sinh khi cần thiết. Khi thực hiện dự án, học sinh có thể gặp những khó khăn khi tìm kiếm tài liệu hoặc thông tin của dự án, GV cần phải hỗ trợ, động viên, giải đáp những vướng mắc mà các em gặp phải, từ đó giúp các em tự tin hơn trong quá trình thực hiện.

+ Sau quá trình thực hiện dự án, GV cần cho học sinh rút ra bài học, kinh nghiệm đạt được. Mục đích của việc thực hiện dự án không chỉ dừng lại ở việc học sinh nắm được nội dung kiến thức mà còn là sự vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn, các em mong muốn điều gì, năng lực nào các em được hình thành, rút ra được kinh nghiệm gì cho các dự án tiếp theo.

 PHỤ LỤC: ẢNH MINH HỌA

234

Hình ảnh sản phẩm của nhóm sô 2: slide thuyết trình

345

Hình ảnh sản phẩm video của nhóm 4

456

Hình ảnh sản phẩm của nhóm 1: potter

789

Hình ảnh tiết dạy của giáo viên áp dụng chuyên đề

91011

111213

14.15.16

17.18.19

 

 

 

 

hanoi
tuynesinh2024_levanthiem_2025
z5327304660166_525c7a4e72a9cdefcd8b67b07eda85dcz5327304656766_ea1fb43fdaca7a7921c019ef0dd75fc1

TRƯỜNG THPT LÊ VĂN THIÊM - HÀ NỘI

icon1 Số 44, Ô Cách, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
icon_phone Điện thoại 0243 6526 110 - 0243 877 2156 

icon4 Email: thptlevanthiem@gmail.com
icon5 Vui lòng ghi rõ nguồn "thpt-levanthiem.edu.vn" khi phát hành lại thông tin từ website
 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 65
Trong tuần: 820
Lượt truy cập: 1478044
Website is designed at tnweb.vn